Pages

2013-10-30

Các nền tảng MOOC

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Cho tới lúc này, có lẽ công chúng Việt Nam đã phần nào biết tới xu hướng giáo dục mở có quy mô lớn (MOOC). Hiện đã có trang MOOC bằng tiếng Việt đi vào hoạt động. Chắc cũng có người hưởng ứng, người hoài nghi, và chắc hẳn cũng có người băn khoăn làm sao để tham gia với tư cách giảng viên (có trang MOOC của riêng mình).

Tin mừng cho những người đang băn khoăn này là chúng ta có một vài lựa chọn! Nếu lựa chọn cách tiếp cận đúng, sử dụng các dịch vụ sẵn có trên Internet, bạn có thể tự xây dựng một trang MOOC của riêng mình, chia sẻ kiến thức của bản thân tới công chúng. Về nhiều khía cạnh, việc tạo một trang MOOC và chia sẻ kiến thức có rất nhiều điểm tương đồng với việc xây dựng một trang blog.



Thực vậy, một số dịch vụ MOOC hàng đầu thế giới hiện nay có cung cấp một tính năng mở giúp các "giáo viên trực tuyến" tạo và truyền tải rộng rãi nội dung giáo dục. Xin được gọi tính năng này là "công nghệ nền tảng" hay nguyên văn tiếng Anh là "platform technology". Khái niệm này được định nghĩa một cách khá dễ hiểu tại Wikipedia như sau "Công nghệ nền tảng là một thuật ngữ về một loại công nghệ giúp tạo ra các sản phẩm, hay một loại quy trình giúp cho việc phát triển sản phẩm vào thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai. Công nghệ dạng này thiết lập các chức năng dài hạn cho các thể chế nghiên cứu và phát triển. Nó cũng có thể được định nghĩa là một dạng cấu trúc hay công nghệ mà từ đó nảy sinh ra rất nhiều sản phẩm mà không cần tới các quy trình hay công nghệ mới."

Vậy hiểu nôm na là "công nghệ MOOC nền tảng" là công cụ giúp các nhà giáo trực tuyến xây dựng và truyền tải các nội dung giáo dục ở dạng này tới công chúng.

Câu hỏi là: cụ thể những dịch vụ MOOC nào có cung cấp tính năng "công nghệ nền tảng" như kể trên? Dưới đây là danh sách (chắc là không đầy đủ) của các dịch vụ như vậy, không theo thứ tự cụ thể nào.

1. Course Builder (CB)
Đây là bộ công cụ do Google phát triển. Đây có thể nói là một bộ công cụ hoàn thiện bao gồm đây đủ các các phần mềm cần thiết, và phần hướng dẫn cài đặt, thiết lập hệ thống, định hướng phát triển nội dung các khóa học.

Ở mức tối thiểu, để sử dụng bộ công cụ này nhà giáo trực tuyến cũng cần có chút kiến thức về HTML, Java Script.

Với cấu hình mặc định, các khóa được phát triển bằng CB sẽ phải triển khai (hay nói cách khác là mở rộng truy cập trang cho công chúng) trên một hệ thống máy chủ của Google có tên là "Google App Engine - GAE", và điểm đáng lưu ý là nhà giáo trực tuyến phải trả phí lưu lượng cho phần dịch vụ này. Việc tính toán chi phí lưu lượng này có vẻ khá phức tạp. Để hiểu rõ hơn có lẽ cần có thông tin nội bộ từ một trang MOOC sẵn có, hoặc tự lập riêng một trang để thu thập phần thông tin cụ thể này.

Một thông tin có thể khiến cho các nhà giáo mạng bớt sờn lòng, là chi phí của khóa "Tìm kiếm nâng cao với Google", được phát triển bằng CB, chỉ vào khoàng 20 đô la Mỹ/ngày với khoảng 150 nghìn học viên.

Có một cách để tránh hoặc giảm thiểu phần chi phí này là sửa mã nguồn của CB để có thể triển khai nội dung MOOC ở một nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng mạng khác có mức phí cạnh tranh hơn. Tuy nhiên hướng này đòi hỏi nhà giáo trực tuyến hoặc đội ngũ hỗ trợ phải có chuyên môn khá sâu về CB nói riêng và kỹ thuật phát triển web nói chung.  

2. Open edX (OEX)
Đây là bộ công cụ phát triển và triển phai nội dung MOOC mã mở do edX xây dựng. Tương tự như CB, bộ công cụ edX cũng có đầy đủ hướng dẫn cài đặt hệ thống, tuy nhiên phần hướng dẫn phát triển nội dung thì chưa có. Khác với CB, edX sử dụng dịch vụ mạng AWS của Amazon. Lẽ dĩ nhiên là dịch vụ kiểu này đi kèm với chi phí về lưu lượng, tùy thuộc vào mức độ thành công của khóa học.  

Tháng 9/2013, Google thông báo rằng họ sẽ tham gia phát triển OEX thành một nền tảng MOOC chung. Việc phát triển CB sẽ chậm dần lại, và về lâu dài Google sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi các khóa học đã được phát triển bởi CB sang nền tảng mới này.

3. Codecademy
Điểm khác của nền tảng Codecademy là nó chỉ phục vụ cho các khóa học về lập trình/khoa học máy tính. Trang hướng dẫn có khá nhiều thông tin bổ ích cho các nhà giáo mạng. Điểm thú vị là không có thông tin nào về phí lưu lượng, do vậy xin võ đoán là miễn phí.

4. OpenMOOC
Một bộ công cụ nền tảng khác xin được nhắc tới ở đây là OpenMOOC. Cũng tương tự như CB và edX, OpenMOOC là bộ công cụ mã mở. Tuy nhiên, tìm hiểu sơ qua về bộ công cụ này qua trang web quản lý mã mở của OpenMOOC cho thấy hoạt động phát triển của nó không mấy sôi động. Phần hướng dẫn sử dụng (cài đặt và thiết lập cấu hình) cũng không được trình bày cụ thể, dễ hiểu.

Tới đây có thể thấy các công nghệ nền tảng MOOC hiện đã xuất hiện và được sử dụng, nhưng các nhà giáo trực tuyến cũng không có quá nhiều sự lựa chọn. Nếu đặt bản thân vào địa vị một người muốn xây dựng một trang MOOC, tôi sẽ chọn CB do bộ công cụ này khá đầy đủ, tài liệu hướng dẫn sử dụng tương đối dễ hiểu, chủ đề của khóa học không bị hạn chế, có sự hậu thuẫn của Google, và có hướng phát triển tiếp trong tương lai.