Pages

2013-03-12

MOOC ở Việt Nam?

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Có thể nói MOOC chưa có mặt tại Việt Nam, tìm kiếm Google với từ khóa mooc + "việt nam" không hề cho một kết quả nào có chút liên quan tới MOOC. Thử với từ khóa GD trực tuyến mang lại kết quả khả quan hơn. Vui lòng tham khảo danh sách một số trang web thu được từ phép tìm kiếm này cùng với xếp hạng lưu lượng - chỉ số đơn giản nhất để đánh giá mức độ thành công của một dịch vụ mạng - và vài thông tin khác ở đây.

Về tổng thể, trong tổng số 34 địa chỉ web trong danh sách trên có 16 trang thuộc diện thu phí; 7 trang thuộc diện cổng thông tin, thương mại. Trong số 11 trang miễn phí có 7 trang đặt quảng cáo.

Trang có lưu lượng cao nhất là violet.vn, đứng xấp xỉ thứ 100 ở Việt Nam, thuộc dạng cổng chia sẻ tài liệu học tập miễn phí, quảng cáo đặt khắp nơi. Đặt quảng cáo trên các trang web mang lại doanh thu để duy trì dịch vụ, tuy nhiên đối với giáo dục trực tuyến khi trang web là lớp học thì việc này gây sao nhãng cho học viên, giảm chất lượng giáo dục(GD), và cuối cùng là giảm uy tín dịch vụ. Có lẽ các trang MOOC đã được liệt kê trong phần trước của bài viết hiểu rõ điểm này, do đó, không một trang nào đặt quảng cáo.

Cảm nhận ban đầu khi truy cập những trang GD trực tuyến Việt Nam là thiết kế giao diện thiếu thẩm mỹ, nơi thì rờm rà, buồn tẻ, chỗ thì lòe loẹt, chim cò. Phần lớn các trang bắt buộc học viên phải đăng ký thành viên trước khi truy cập vào bất kỳ khóa học nào, tạo cảm giác ngột ngạt không cần thiết cho học viên khi muốn trải nghiệm nội dung giáo dục trong lần đầu truy cập dịch vụ. Tựu trung lại là trải nghiệm dịch vụ ở mức không vừa ý, tới một lần rồi không muốn quay lại.

Về mặt nội dung, GD trực tuyến ở Việt Nam tập trung phần lớn vào mảng luyện thi đại học, ngoại ngữ, tin học cơ bản, và kỹ năng mềm. Các nội dung mang tính chuyên sâu, ở trình độ đại học và sau đại học rất ít. Nguyên nhân chính có lẽ là thị trường cho kiến thức ở mức này bị chia nhỏ do tính chuyên sâu của chúng, dẫn tới cả cung và cầu đều ở mức thấp.

Phân tích lưu lượng từ alexa.com của 5 trang có thứ hạng cao nhất trong danh sách trên cho thấy mức thâm nhập người dùng(reach %) dưới 0.01%, thấp hơn nhiều so với con số 1.28% - tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam so với thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ số lượng trang hiển thị (pageviews %) so với tổng số của thế giới còn thấp hơn nữa. Thời gian người truy cập dành ở các trang(time on site) cũng khá thấp, chỉ trên dưới 5 phút.

So sánh lưu lượng truy cập giữa violet.vncoursera.org - trang MOOC phổ biến nhất trên thế giới hiện nay - cho thấy rõ một bức tranh tổng thể, có phần quen thuộc, trong đó Violet đã từ lâu dẫm chân tại chỗ còn Coursera thì đang tiến lên như vũ bão.

Những tín hiệu trên đây cho thấy mức thâm nhập và hiệu quả hạn chế của giáo dục trực tuyến ở thị trường Việt Nam. Nói theo hướng tích cực, thị trường GD trực truyến ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn rộng mở. Bởi vậy, xin bàn rộng ra đủ cả hai phía thuận và bất lợi cho việc phát triển MOOC ở Việt Nam, nhằm giúp các tổ chức hay cá nhân quay tâm về vấn đề này có vài điểm tham khảo.


Thuận lợi đầu tiên là nước ta có phân bổ dân số trẻ. Cụ thể, ước tính 34,5 triệu[1] trong tổng số 91 triệu dân có độ tuổi từ 15 tới 35. Đây là độ tuổi người công dân chuẩn bị hoặc mới tham gia vào thị trường lao động. Do đó, nhu cầu về GD chất lượng, rẻ và mềm dẻo khá lớn, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng này.

Việt Nam có tỉ lệ truy cập Internet khá cao với 4,3 triệu thuê bao Internet băng rộng và 31,3 triệu người dùng Internet[2], đứng thứ 16 trên thế giới. Ngoài ra, nước ta còn có 15.5 triệu thuê bao di động có kết nối 3G, tính tới tháng 4/2012, tăng 14% trong một năm[3].

Mức thu nhập bình quân GDP thấp của Việt Nam khiến cho đặc tính miễn phí của MOOC càng trở nên hấp dẫn. Nếu trở thành hiện thực, MOOC sẽ trở thành cơ hội đáng xem xét với mọi cá nhân trong xã hội khi họ muốn gia nhập hay chuyển hướng sự nghiệp.

Ngoài ra những yếu kém, bất cập, sự cứng nhắc trong hệ thống GD truyền thống, đặc biệt là GD đại học trở lên khiến cho sự hiện hữu của MOOC như là một cơ hội cho GD ở Việt Nam có một sự khởi đầu tươi mới và đầy triển vọng.

Sự khác biệt về ngôn ngữ tránh cho MOOC ở thế cạnh tranh trực tiếp với các trang MOOC khác trên thế giới, chủ yếu sử dụng các ngôn ngữ phổ biến ở phạm vi quốc tế như tiếng Anh hay Pháp. Hiện tại, không có bất cứ khóa học nào của các MOOC hiện tại trên thế giới trình bày nội dung bằng tiếng Việt. Mặt này giúp MOOC ở Việt Nam có cơ hội phát triển để phục vụ cho thị trường nội địa, trước khi mở rộng hơn nữa.

Bất lợi cho MOOC ở Việt Nam có thể bắt đầu với tinh thần kỷ luật kém. Tư duy làng xã cộng với hệ quả chính trị và xã hội tạo cho con người Việt Nam thói quen vô kỷ luật. Giáo dục ở dạng MOOC không hề có ràng buộc nào về mặt thời gian, tài chính, không có ai giám sát có khả năng khiến cho học viên không hoàn thành khóa học.

Thói quen sử dụng Internet của người Việt cũng là một điểm khó đối với MOOC. Cụ thể, tuy Việt Nam có số người sử dụng Internet cao nhưng phần lớn là để phục vụ mục đích thụ động, nhiều khi vô bổ ví dụ: đọc báo mạng, tán gẫu qua Yahoo Messenger, lướt Facebook, chơi  game[4] ... Do đó, sức hấp dẫn của dịch vụ mạng mang tính nghiêm túc như MOOC đối với người dùng Internet Việt Nam là không rõ ràng.

Thực tế, GD truyền thống ở Việt Nam khi giáo viên đứng lớp giảng dạy trực tiếp mà chất lượng còn rất thấp thì hiển nhiên công chúng sẽ hoài nghi tính hiệu quả của một lớp học ảo/trực tuyến khi không có ai kiểm soát, khi các loại hình giải trí trực tuyến chỉ cách học viên một cú nhấp chuột. Thực ra đây là mối quan ngại chung của tất cả các MOOC.


Tham nhũng tràn lan ở Việt Nam - đứng thứ 123 trong tổng số 174 nước theo đánh giá của Transparency International - đặt trình độ chuyên môn ở thế yếu so với các yếu tố khác khi công dân tham gia vào thị trường lao động, càng làm giảm nhu cầu về dạy và học kiến thức chuyên sâu hơn nữa.

Phần trên đề cập tới lợi thế về mặt ngôn ngữ mang đến cho MOOC một thị trường tương đối biệt lập để phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thị trường này có đủ lớn để hoạt động hiệu quả hay không còn chưa có câu trả lời rõ ràng. Đây là lợi thế lớn đối với các trang MOOC sử dụng các ngôn ngữ quốc tế vì thị trường rộng hơn rất nhiều, tận dụng ưu thế về tính trực tuyến của dịch vụ.

Thay lời kết

Mục đích tối thượng của GD là trang bị cho mỗi người kiến thức và kỹ năng để trở thành một thành viên hữu ích cho xã hội. Mỗi con người sau khi hoàn thành quá trình học tập, bước vào xã hội với vai trò của một thành viên đầy đủ và bắt đầu cống hiến cho xã hội thông qua công việc của họ, phần lớn là ở các tổ chức hay công ty. Một hệ thống GD chất lượng cao, giá thành thấp, có tầm hoạt động rộng khắp, truy cập dễ dàng, và linh hoạt về thời gian là niềm ước mơ của bất kỳ xã hội nào. Mô hình MOOC dường như đáp ứng được những tiêu chí này và những đặc tính này giúp hoạt động GD trở nên kinh tế và hiệu quả; giúp cho học viên được tùy thích theo đuổi hoài bão, sự nghiệp trong mơ của mình, đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội theo cách họ muốn.

Có lẽ bạn đọc sẽ băn khoăn rằng những phân tích ở trên vẽ nên một bức tranh quá tích cựu về MOOC, chắc hẳn sẽ có người đặt câu hỏi “Ai là người sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu MOOC được chấp nhận rộng rãi?”. Tôi xin dự đoán rằng nếu MOOC trở nên phổ biến những nhà giáo kém sẽ bị thất nghiệp do những nhà giáo tốt qua hệ thống GD này có thể truyền tải kiến thức tới học viên ở bất kỳ đâu. Ngoài ra các viễn cảnh của các công ty tuyển dụng cũng ảm đạm, trong tương lai này, do các MOOC sẽ thay thế họ trong thị trường săn lùng chất xám.

Tuy vậy, những tầng lớp trên cũng không hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường lao động. Bởi vì họ luôn có thể tham gia vào MOOC, bất kỳ lúc nào, với tư cách là học viên, tiếp thu các kỹ năng mới, để rồi quay lại xây dựng xã hội trong một vai trò khác do họ tự lựa chọn.

Trong khi MOOC chưa có mặt ở Việt Nam, thì mô hình này đang gặt hái những thành công bước đầu trên sân khấu thế giới. Những băn khoăn về mô hình hoạt động, theo hướng phi lợi nhuận hay doanh nghiệp; nguồn doanh thu nào; mô hình phát triển nội dung GD ra sao; đã phần nào được giải quyết khi cân nhắc, so sánh các mô hình MOOC điển hình đang hoạt động như Coursera hay Khan Academy. Sự bền vững và tác động tích cực lâu dài của mô hình này có lẽ cần thời gian để đánh giá. Ngoài ra còn có những câu hỏi cơ bản hơn như vốn ban đầu ở đâu? Ai sẽ đầu tư?

Cuối cùng, mục đích của bài viết này là giới thiệu MOOC tới cộng đồng người Việt, mà với chúng ta, luôn có một câu hỏi đeo đẳng.

Ai sẽ làm?


Cập nhật: Ngày 31/08/2013, trang MOOC đầu tiên của Việt Nam, giapschool.org, do TS Giáp Văn Dương xây dựng bằng công cụ mở Course Builder, đã đi vào hoạt động.

Tham khảo

[1] "Vietnam - CIA - The World Factbook." 2007. 17 Jan. 2013 <cia.gov>
[2] "Thống kê Internet - Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC)." 2010. 17 Jan. 2013 <thongkeinternet.vn>
[3] "Wireless Intelligence - 3G growth stalls in Vietnam." 2012. 17 Jan. 2013 <wirelessintelligence.com>
[4] "Alexa - Top Sites for Viet Nam." 2009. 18 Jan. 2013 <alexa.com>