Pages

2013-10-30

Các nền tảng MOOC

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Cho tới lúc này, có lẽ công chúng Việt Nam đã phần nào biết tới xu hướng giáo dục mở có quy mô lớn (MOOC). Hiện đã có trang MOOC bằng tiếng Việt đi vào hoạt động. Chắc cũng có người hưởng ứng, người hoài nghi, và chắc hẳn cũng có người băn khoăn làm sao để tham gia với tư cách giảng viên (có trang MOOC của riêng mình).

Tin mừng cho những người đang băn khoăn này là chúng ta có một vài lựa chọn! Nếu lựa chọn cách tiếp cận đúng, sử dụng các dịch vụ sẵn có trên Internet, bạn có thể tự xây dựng một trang MOOC của riêng mình, chia sẻ kiến thức của bản thân tới công chúng. Về nhiều khía cạnh, việc tạo một trang MOOC và chia sẻ kiến thức có rất nhiều điểm tương đồng với việc xây dựng một trang blog.



Thực vậy, một số dịch vụ MOOC hàng đầu thế giới hiện nay có cung cấp một tính năng mở giúp các "giáo viên trực tuyến" tạo và truyền tải rộng rãi nội dung giáo dục. Xin được gọi tính năng này là "công nghệ nền tảng" hay nguyên văn tiếng Anh là "platform technology". Khái niệm này được định nghĩa một cách khá dễ hiểu tại Wikipedia như sau "Công nghệ nền tảng là một thuật ngữ về một loại công nghệ giúp tạo ra các sản phẩm, hay một loại quy trình giúp cho việc phát triển sản phẩm vào thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai. Công nghệ dạng này thiết lập các chức năng dài hạn cho các thể chế nghiên cứu và phát triển. Nó cũng có thể được định nghĩa là một dạng cấu trúc hay công nghệ mà từ đó nảy sinh ra rất nhiều sản phẩm mà không cần tới các quy trình hay công nghệ mới."

Vậy hiểu nôm na là "công nghệ MOOC nền tảng" là công cụ giúp các nhà giáo trực tuyến xây dựng và truyền tải các nội dung giáo dục ở dạng này tới công chúng.

Câu hỏi là: cụ thể những dịch vụ MOOC nào có cung cấp tính năng "công nghệ nền tảng" như kể trên? Dưới đây là danh sách (chắc là không đầy đủ) của các dịch vụ như vậy, không theo thứ tự cụ thể nào.

1. Course Builder (CB)
Đây là bộ công cụ do Google phát triển. Đây có thể nói là một bộ công cụ hoàn thiện bao gồm đây đủ các các phần mềm cần thiết, và phần hướng dẫn cài đặt, thiết lập hệ thống, định hướng phát triển nội dung các khóa học.

Ở mức tối thiểu, để sử dụng bộ công cụ này nhà giáo trực tuyến cũng cần có chút kiến thức về HTML, Java Script.

Với cấu hình mặc định, các khóa được phát triển bằng CB sẽ phải triển khai (hay nói cách khác là mở rộng truy cập trang cho công chúng) trên một hệ thống máy chủ của Google có tên là "Google App Engine - GAE", và điểm đáng lưu ý là nhà giáo trực tuyến phải trả phí lưu lượng cho phần dịch vụ này. Việc tính toán chi phí lưu lượng này có vẻ khá phức tạp. Để hiểu rõ hơn có lẽ cần có thông tin nội bộ từ một trang MOOC sẵn có, hoặc tự lập riêng một trang để thu thập phần thông tin cụ thể này.

Một thông tin có thể khiến cho các nhà giáo mạng bớt sờn lòng, là chi phí của khóa "Tìm kiếm nâng cao với Google", được phát triển bằng CB, chỉ vào khoàng 20 đô la Mỹ/ngày với khoảng 150 nghìn học viên.

Có một cách để tránh hoặc giảm thiểu phần chi phí này là sửa mã nguồn của CB để có thể triển khai nội dung MOOC ở một nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng mạng khác có mức phí cạnh tranh hơn. Tuy nhiên hướng này đòi hỏi nhà giáo trực tuyến hoặc đội ngũ hỗ trợ phải có chuyên môn khá sâu về CB nói riêng và kỹ thuật phát triển web nói chung.  

2. Open edX (OEX)
Đây là bộ công cụ phát triển và triển phai nội dung MOOC mã mở do edX xây dựng. Tương tự như CB, bộ công cụ edX cũng có đầy đủ hướng dẫn cài đặt hệ thống, tuy nhiên phần hướng dẫn phát triển nội dung thì chưa có. Khác với CB, edX sử dụng dịch vụ mạng AWS của Amazon. Lẽ dĩ nhiên là dịch vụ kiểu này đi kèm với chi phí về lưu lượng, tùy thuộc vào mức độ thành công của khóa học.  

Tháng 9/2013, Google thông báo rằng họ sẽ tham gia phát triển OEX thành một nền tảng MOOC chung. Việc phát triển CB sẽ chậm dần lại, và về lâu dài Google sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi các khóa học đã được phát triển bởi CB sang nền tảng mới này.

3. Codecademy
Điểm khác của nền tảng Codecademy là nó chỉ phục vụ cho các khóa học về lập trình/khoa học máy tính. Trang hướng dẫn có khá nhiều thông tin bổ ích cho các nhà giáo mạng. Điểm thú vị là không có thông tin nào về phí lưu lượng, do vậy xin võ đoán là miễn phí.

4. OpenMOOC
Một bộ công cụ nền tảng khác xin được nhắc tới ở đây là OpenMOOC. Cũng tương tự như CB và edX, OpenMOOC là bộ công cụ mã mở. Tuy nhiên, tìm hiểu sơ qua về bộ công cụ này qua trang web quản lý mã mở của OpenMOOC cho thấy hoạt động phát triển của nó không mấy sôi động. Phần hướng dẫn sử dụng (cài đặt và thiết lập cấu hình) cũng không được trình bày cụ thể, dễ hiểu.

Tới đây có thể thấy các công nghệ nền tảng MOOC hiện đã xuất hiện và được sử dụng, nhưng các nhà giáo trực tuyến cũng không có quá nhiều sự lựa chọn. Nếu đặt bản thân vào địa vị một người muốn xây dựng một trang MOOC, tôi sẽ chọn CB do bộ công cụ này khá đầy đủ, tài liệu hướng dẫn sử dụng tương đối dễ hiểu, chủ đề của khóa học không bị hạn chế, có sự hậu thuẫn của Google, và có hướng phát triển tiếp trong tương lai.

2013-09-05

Phương pháp sư phạm của MOOC

1. Sơ lược về MOOC.
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác.
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Cần nhấn mạnh rằng miễn phí truy cập không phải là điểm mạnh duy nhất của các dịch vụ MOOC hiện tại. Nhằm mục đích giảng dạy, truyền tải kiến thức, đào tạo kỹ năng cho học viên, đồng thời bù đắp phần nào về mặt tương tác dạy-học, duy trì sự tập trung của học viên trong môi trường mạng, các khóa học MOOC được trang bị một loạt các phương pháp sư phạm hiệu quả sau.



Học thành thục (Mastery learning)

Đa số các khóa học MOOC tại các trang web dạng này được thiết kế theo hướng cho  học viên rất nhiều cơ hộ để học, hiểu nội dung, và thể hiện mức hiểu biết của họ. Trong khi ở các lớp học truyền thống, nếu một học viên không làm tốt bài tập về nhà thì người này sẽ phải nhận điểm kém và cả lớp thì vẫn phải tiếp tục với các bài giảng kế tiếp, khó có cơ hội cho học viên này rà soát, củng cố kiến thức hổng. Kết quả đánh giá bài tập về nhà thì cũng phải hàng tuần sau mới có, khi mà học viên gần như không còn chút nào về nội dung bài giảng tương ứng.

Ngược lại, các khóa học MOOC thường được chia ra làm rất nhiều các phần nhỏ, học viên tiếp thu nội dung của phần này rồi được làm vài bài tập tương ứng đã được máy tính ngấu nhiên hóa ngay lập tức. Điều này giúp học viên thực hành kiến thức vừa học khi còn nóng hổi, tự học lại và tự làm lại bài tập ngay khi không hoàn thành tốt bài tập trước đó. Củng cố chắc kiến thức cho các bài học tiếp theo.

Phương pháp sư phạm này đã được các nhà nghiên cứu về giáo dục chứng minh là có khả năng cải thiện tỷ lệ hiểu và nhớ bài giảng của học viên rất nhiều [1].

Học tích cực (Active learning)

Trang MOOC quốc tế tiên phong Coursera khi triển khai các khóa học về khoa học xã hội, nghệ thuật ... gặp khó khăn trong việc đánh giá trình độ của học viên do các bài tập, câu hỏi kiểm tra ở các môn nay nhiều khi không có đáp số rõ ràng, hoặc câu trả lời thường ở dạng bài luận. Cái khó ló cái khôn, Coursera cuối cùng phát triển nên hệ thống bình chấm (peer assessment), dựa vào kiến thức về bình chấm và sức mạnh cộng đồng (crowdsourcing).

Hệ thống bình chấm cho phép các học viên trong cùng khóa đánh giá khả năng lẫn nhau. Do vậy, một học viên nhận được rất nhiều điểm đánh giá từ các bạn đồng học, Coursera dựa vào tất cả những điểm này để tính toán ra một điểm đánh giá cuối cùng cho học viên này.

Với hệ thống bình chấm học viên nhằm đat được các đánh giá có lợi từ các thành viêcn khác nên có một động lực rất tốt để tham gia tích cực vào bài giảng, giúp đỡ các học viên khác giải đáp các thắc mắc. Khi mọi người trong lớp học đều có tâm lý như vậy thì khóa học trở nên rất sôi nổi, hiệu quả giáo dục nhờ vậy được nâng cao rõ rệt[1].

Học trong bối cảnh(Context-embedded learning)

Các khóa học tại Codecademy.com, trang web tập trung dậy các ngôn ngữ lập trình máy tính và web, có rất nhiều các bài tập lớn, cần tới kiến thức của nhiều phần trong khóa học mới giải quyết được. Thậm chí toàn bộ khóa học "Giới thiệu về khoa học máy tính" (Intro to Computer Science) ở Udacity.com chính là một bài tập lớn: xây dựng một cỗ máy tìm kiếm thông tin trên Internet (search engine).

Phương pháp thiết kế bài giảng như thế này giúp học viên hiểu được rằng những mục nhỏ mà mình đang học có vai trò cụ thể ra sao trong việc giải quyết một vấn đề lớn. Bỗng nhiên một hoạt động tẻ nhạt như phân tích nội dung chuỗi ký tự (parse string) trở nên rất lý thú vì nó có vai trò then chốt trong việc xây dựng danh sách các hyperlink, một thành phần thiết yếu của bất kỳ cỗ máy tìm kiếm nào.

Đồng thời, học theo phương pháp này các học viên tạo mối liên kết giữa các phần kiến thức được sử dụng để hoàn thành bài tập lớn, giúp họ ghi nhớ kiến thức theo một mạng lưới thông tin có liên quan chặt chẽ (như một bức tranh), hơn là phải cố gắng học thuộc lòng từng phần nhỏ.

Trò chơi hóa (Gamification)

Nói nôm na, trò chơi hóa là hoạt động áp dụng các thủ thuật thiết kế của trò chơi điện tử vào các vấn đề ở các lĩnh vực khác. Từ trước tới nay, các trò chơi điện tử luôn là điển hình về sản phẩm có sức cuốn hút lớn, có khả năng thôi thúc người chơi tham gia và đạt các mục đích được định sẵn.

Các nhà khoa học đã xác định rằng ẩn sau mỗi một trò chơi thành công đều có các yếu tố về tâm lý và các kỹ thuật thiết kế cụ thể. Ngày nay các tổ chức, công ty cấp tiến đang sử dụng những kiến thức này để gia tăng sức cuốn hút của sản phẩm cũng như hiệu năng của hoạt động của họ.

Một số MOOC cũng sử dụng các yếu tố này giúp lôi cuốn, thu hút học viên và cải thiện hiệu quả giáo dục. Một ví dụ điển hình là trang Codecademy. Học viên tham gia các khóa học tại Codecademy liên tục được chào đón bởi các thử thách (bài tập) dễ có, khó có, mỗi khi học viên vượt qua một thử thách thì sẽ được hệ thống chúc mừng, thưởng điểm, huy hiệu, hay huy chương, và rồi giới thiệu học viên với mục bài giảng, thử thách tiếp theo. Thông tin về điểm số thu được của ngày hôm nay, cũng như số ngày ghi điểm liên tiếp của học viên luôn được hiển thị rõ ràng trên giao diện của học viên, giúp họ dễ dàng theo dõi được thành quả học tập của minh và có động lực để tiếp tục theo đuổi chương trình.

Trong buổi ra mắt trang MOOC tiên phong ở Việt Nam, giapschool.org, GS Ngô Bảo Châu cũng có khuyên trang này nên trò chơi hóa các bài giảng [2].

Yếu tố mạng xã hội (Social networking)

Ngoài các yếu tố kể trên nhiều trang MOOC còn sử dụng tới một yếu tố rất hiệu quả khác để thu hút học viên đó là mạng xã hội. Các trang này (KhanAcademy.com, Udacity.com, và Codecademy.com) cho học viên đăng ký bằng tài khoản Facebook hoặc Google sẵn có. Khi học viên có các hoạt động mới trong quá trình tham gia học tại các trang MOOC này như đăng ký khóa học, bắt đầu hay kết thúc khóa học, hay đạt được các kết quả đáng kể thì họ đều có khả năng chia sẻ những thông tin này tới các mối quan hệ xã hội qua các mạng xã hội mà họ đã chọn.

Hoạt động này một mặt giải quyết được nhu cầu chia sẻ thông tin, giao tiếp xã hội của học viên, mặt khác giúp cho trang MOOC có liên quan mở rộng sự hiện diện trong thế giới số hơn nữa. Đây thực sự là một công cụ quảng bá hiệu quả của các MOOC biết sử dụng lợi thế này.

Kết luận

Một trang MOOC được xây dựng kỹ lưỡng sẽ là một hệ thống giáo dục tuy bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng phía sau là các cơ chế phức tạp, đầy hiệu quả với mục tiêu tối thượng là truyền tải nội dung giáo dục chất lượng tới công chúng ở quy mô lớn.

Tham khảo

[1] Coursera.org. Phương pháp sư phạm (Pedagogy). Trích ngày 04/09/2013 từ www.coursera.org
[2] Chi Mai (03/09/2013). Buổi ra mắt của một trường học đặc biệt. Trích ngày 04/09/2013 từ http://vietnamnet.vn

2013-04-06

Son asked: Why cars need gasoline?


My boys, like most of the boys out there, are obsessed with machines, especially cars. They like to watch Cars movies and own tons of toy cars. They also like to observe cars in real life and ask a lot of questions about them.

My elder boy, Pham Duy Khoi (PDK), and I had the below conversation not too long ago.

PDK: Daddy, why cars need gasoline?
Me (PDD): Can you keep on playing when you're hungry?
PDK: No, I can't. I need to have some food.
PDD: See, cars can go for a while then it gets hungry. It'll need to eat again, just like you, and gasoline is food for cars.
PDK: But, Daddy, cars can't eat right?
PDD: Correct, you don't see cars eat. But whenever a car visits a gas station, they usually get more gasoline to go further.

PDK nodded, and again I survive another intellectual challenge from a toddler.

2013-03-12

MOOC ở Việt Nam?

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Có thể nói MOOC chưa có mặt tại Việt Nam, tìm kiếm Google với từ khóa mooc + "việt nam" không hề cho một kết quả nào có chút liên quan tới MOOC. Thử với từ khóa GD trực tuyến mang lại kết quả khả quan hơn. Vui lòng tham khảo danh sách một số trang web thu được từ phép tìm kiếm này cùng với xếp hạng lưu lượng - chỉ số đơn giản nhất để đánh giá mức độ thành công của một dịch vụ mạng - và vài thông tin khác ở đây.

Về tổng thể, trong tổng số 34 địa chỉ web trong danh sách trên có 16 trang thuộc diện thu phí; 7 trang thuộc diện cổng thông tin, thương mại. Trong số 11 trang miễn phí có 7 trang đặt quảng cáo.

Trang có lưu lượng cao nhất là violet.vn, đứng xấp xỉ thứ 100 ở Việt Nam, thuộc dạng cổng chia sẻ tài liệu học tập miễn phí, quảng cáo đặt khắp nơi. Đặt quảng cáo trên các trang web mang lại doanh thu để duy trì dịch vụ, tuy nhiên đối với giáo dục trực tuyến khi trang web là lớp học thì việc này gây sao nhãng cho học viên, giảm chất lượng giáo dục(GD), và cuối cùng là giảm uy tín dịch vụ. Có lẽ các trang MOOC đã được liệt kê trong phần trước của bài viết hiểu rõ điểm này, do đó, không một trang nào đặt quảng cáo.

Cảm nhận ban đầu khi truy cập những trang GD trực tuyến Việt Nam là thiết kế giao diện thiếu thẩm mỹ, nơi thì rờm rà, buồn tẻ, chỗ thì lòe loẹt, chim cò. Phần lớn các trang bắt buộc học viên phải đăng ký thành viên trước khi truy cập vào bất kỳ khóa học nào, tạo cảm giác ngột ngạt không cần thiết cho học viên khi muốn trải nghiệm nội dung giáo dục trong lần đầu truy cập dịch vụ. Tựu trung lại là trải nghiệm dịch vụ ở mức không vừa ý, tới một lần rồi không muốn quay lại.

Về mặt nội dung, GD trực tuyến ở Việt Nam tập trung phần lớn vào mảng luyện thi đại học, ngoại ngữ, tin học cơ bản, và kỹ năng mềm. Các nội dung mang tính chuyên sâu, ở trình độ đại học và sau đại học rất ít. Nguyên nhân chính có lẽ là thị trường cho kiến thức ở mức này bị chia nhỏ do tính chuyên sâu của chúng, dẫn tới cả cung và cầu đều ở mức thấp.

Phân tích lưu lượng từ alexa.com của 5 trang có thứ hạng cao nhất trong danh sách trên cho thấy mức thâm nhập người dùng(reach %) dưới 0.01%, thấp hơn nhiều so với con số 1.28% - tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam so với thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ số lượng trang hiển thị (pageviews %) so với tổng số của thế giới còn thấp hơn nữa. Thời gian người truy cập dành ở các trang(time on site) cũng khá thấp, chỉ trên dưới 5 phút.

So sánh lưu lượng truy cập giữa violet.vncoursera.org - trang MOOC phổ biến nhất trên thế giới hiện nay - cho thấy rõ một bức tranh tổng thể, có phần quen thuộc, trong đó Violet đã từ lâu dẫm chân tại chỗ còn Coursera thì đang tiến lên như vũ bão.

Những tín hiệu trên đây cho thấy mức thâm nhập và hiệu quả hạn chế của giáo dục trực tuyến ở thị trường Việt Nam. Nói theo hướng tích cực, thị trường GD trực truyến ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn rộng mở. Bởi vậy, xin bàn rộng ra đủ cả hai phía thuận và bất lợi cho việc phát triển MOOC ở Việt Nam, nhằm giúp các tổ chức hay cá nhân quay tâm về vấn đề này có vài điểm tham khảo.


Thuận lợi đầu tiên là nước ta có phân bổ dân số trẻ. Cụ thể, ước tính 34,5 triệu[1] trong tổng số 91 triệu dân có độ tuổi từ 15 tới 35. Đây là độ tuổi người công dân chuẩn bị hoặc mới tham gia vào thị trường lao động. Do đó, nhu cầu về GD chất lượng, rẻ và mềm dẻo khá lớn, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng này.

Việt Nam có tỉ lệ truy cập Internet khá cao với 4,3 triệu thuê bao Internet băng rộng và 31,3 triệu người dùng Internet[2], đứng thứ 16 trên thế giới. Ngoài ra, nước ta còn có 15.5 triệu thuê bao di động có kết nối 3G, tính tới tháng 4/2012, tăng 14% trong một năm[3].

Mức thu nhập bình quân GDP thấp của Việt Nam khiến cho đặc tính miễn phí của MOOC càng trở nên hấp dẫn. Nếu trở thành hiện thực, MOOC sẽ trở thành cơ hội đáng xem xét với mọi cá nhân trong xã hội khi họ muốn gia nhập hay chuyển hướng sự nghiệp.

Ngoài ra những yếu kém, bất cập, sự cứng nhắc trong hệ thống GD truyền thống, đặc biệt là GD đại học trở lên khiến cho sự hiện hữu của MOOC như là một cơ hội cho GD ở Việt Nam có một sự khởi đầu tươi mới và đầy triển vọng.

Sự khác biệt về ngôn ngữ tránh cho MOOC ở thế cạnh tranh trực tiếp với các trang MOOC khác trên thế giới, chủ yếu sử dụng các ngôn ngữ phổ biến ở phạm vi quốc tế như tiếng Anh hay Pháp. Hiện tại, không có bất cứ khóa học nào của các MOOC hiện tại trên thế giới trình bày nội dung bằng tiếng Việt. Mặt này giúp MOOC ở Việt Nam có cơ hội phát triển để phục vụ cho thị trường nội địa, trước khi mở rộng hơn nữa.

Bất lợi cho MOOC ở Việt Nam có thể bắt đầu với tinh thần kỷ luật kém. Tư duy làng xã cộng với hệ quả chính trị và xã hội tạo cho con người Việt Nam thói quen vô kỷ luật. Giáo dục ở dạng MOOC không hề có ràng buộc nào về mặt thời gian, tài chính, không có ai giám sát có khả năng khiến cho học viên không hoàn thành khóa học.

Thói quen sử dụng Internet của người Việt cũng là một điểm khó đối với MOOC. Cụ thể, tuy Việt Nam có số người sử dụng Internet cao nhưng phần lớn là để phục vụ mục đích thụ động, nhiều khi vô bổ ví dụ: đọc báo mạng, tán gẫu qua Yahoo Messenger, lướt Facebook, chơi  game[4] ... Do đó, sức hấp dẫn của dịch vụ mạng mang tính nghiêm túc như MOOC đối với người dùng Internet Việt Nam là không rõ ràng.

Thực tế, GD truyền thống ở Việt Nam khi giáo viên đứng lớp giảng dạy trực tiếp mà chất lượng còn rất thấp thì hiển nhiên công chúng sẽ hoài nghi tính hiệu quả của một lớp học ảo/trực tuyến khi không có ai kiểm soát, khi các loại hình giải trí trực tuyến chỉ cách học viên một cú nhấp chuột. Thực ra đây là mối quan ngại chung của tất cả các MOOC.


Tham nhũng tràn lan ở Việt Nam - đứng thứ 123 trong tổng số 174 nước theo đánh giá của Transparency International - đặt trình độ chuyên môn ở thế yếu so với các yếu tố khác khi công dân tham gia vào thị trường lao động, càng làm giảm nhu cầu về dạy và học kiến thức chuyên sâu hơn nữa.

Phần trên đề cập tới lợi thế về mặt ngôn ngữ mang đến cho MOOC một thị trường tương đối biệt lập để phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thị trường này có đủ lớn để hoạt động hiệu quả hay không còn chưa có câu trả lời rõ ràng. Đây là lợi thế lớn đối với các trang MOOC sử dụng các ngôn ngữ quốc tế vì thị trường rộng hơn rất nhiều, tận dụng ưu thế về tính trực tuyến của dịch vụ.

Thay lời kết

Mục đích tối thượng của GD là trang bị cho mỗi người kiến thức và kỹ năng để trở thành một thành viên hữu ích cho xã hội. Mỗi con người sau khi hoàn thành quá trình học tập, bước vào xã hội với vai trò của một thành viên đầy đủ và bắt đầu cống hiến cho xã hội thông qua công việc của họ, phần lớn là ở các tổ chức hay công ty. Một hệ thống GD chất lượng cao, giá thành thấp, có tầm hoạt động rộng khắp, truy cập dễ dàng, và linh hoạt về thời gian là niềm ước mơ của bất kỳ xã hội nào. Mô hình MOOC dường như đáp ứng được những tiêu chí này và những đặc tính này giúp hoạt động GD trở nên kinh tế và hiệu quả; giúp cho học viên được tùy thích theo đuổi hoài bão, sự nghiệp trong mơ của mình, đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội theo cách họ muốn.

Có lẽ bạn đọc sẽ băn khoăn rằng những phân tích ở trên vẽ nên một bức tranh quá tích cựu về MOOC, chắc hẳn sẽ có người đặt câu hỏi “Ai là người sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu MOOC được chấp nhận rộng rãi?”. Tôi xin dự đoán rằng nếu MOOC trở nên phổ biến những nhà giáo kém sẽ bị thất nghiệp do những nhà giáo tốt qua hệ thống GD này có thể truyền tải kiến thức tới học viên ở bất kỳ đâu. Ngoài ra các viễn cảnh của các công ty tuyển dụng cũng ảm đạm, trong tương lai này, do các MOOC sẽ thay thế họ trong thị trường săn lùng chất xám.

Tuy vậy, những tầng lớp trên cũng không hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường lao động. Bởi vì họ luôn có thể tham gia vào MOOC, bất kỳ lúc nào, với tư cách là học viên, tiếp thu các kỹ năng mới, để rồi quay lại xây dựng xã hội trong một vai trò khác do họ tự lựa chọn.

Trong khi MOOC chưa có mặt ở Việt Nam, thì mô hình này đang gặt hái những thành công bước đầu trên sân khấu thế giới. Những băn khoăn về mô hình hoạt động, theo hướng phi lợi nhuận hay doanh nghiệp; nguồn doanh thu nào; mô hình phát triển nội dung GD ra sao; đã phần nào được giải quyết khi cân nhắc, so sánh các mô hình MOOC điển hình đang hoạt động như Coursera hay Khan Academy. Sự bền vững và tác động tích cực lâu dài của mô hình này có lẽ cần thời gian để đánh giá. Ngoài ra còn có những câu hỏi cơ bản hơn như vốn ban đầu ở đâu? Ai sẽ đầu tư?

Cuối cùng, mục đích của bài viết này là giới thiệu MOOC tới cộng đồng người Việt, mà với chúng ta, luôn có một câu hỏi đeo đẳng.

Ai sẽ làm?


Cập nhật: Ngày 31/08/2013, trang MOOC đầu tiên của Việt Nam, giapschool.org, do TS Giáp Văn Dương xây dựng bằng công cụ mở Course Builder, đã đi vào hoạt động.

Tham khảo

[1] "Vietnam - CIA - The World Factbook." 2007. 17 Jan. 2013 <cia.gov>
[2] "Thống kê Internet - Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC)." 2010. 17 Jan. 2013 <thongkeinternet.vn>
[3] "Wireless Intelligence - 3G growth stalls in Vietnam." 2012. 17 Jan. 2013 <wirelessintelligence.com>
[4] "Alexa - Top Sites for Viet Nam." 2009. 18 Jan. 2013 <alexa.com>

2013-02-20

MOOC - So sánh với các mô hình giáo dục khác

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Những số liệu thống kê về MOOC - Giáo dục Trực truyến Mở Quy mô Lớn - ở bài viết trước về cùng chủ đề thể hiện những thành công bước đầu của loại hình giáo dục mới này. Câu hỏi đặt ra là những yếu tố gì đứng sau thành công này? Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên giáo dục trực tuyến xuất hiện và được bàn luận trong lịch sử giáo dục.

Người dùng Internet những năm 2000 có thể còn nhớ tới một quảng cáo đăng ở Yahoo.com về Đại học Pheonix(University of Pheonix) về những tấm bằng có thể nhận được từ trường này chỉ bằng việc tham gia các khóa học trực tuyến. Đại học Phoenix là đại diện lớn nhất trong mô hình giáo dục trực tuyến thu phí học viên (GDTT thu phí). Đại học Phoenix hiện vẫn hoạt đông. Tuy nhiên, một tìm kiếm đơn giản với Google sẽ cho bạn thấy đây không phải là tổ chức giáo dục đáng tin cậy[1]. Hơn nữa, kết quả kinh doanh của tập đoàn mẹ - Apollo Group - đang liên tục đi xuống kể từ đỉnh cao 2004.

Rõ ràng phải có những khác biệt lớn giữa MOOC và các hình thức giáo dục khác. Bảng dưới đây trình bày sơ qua những điểm khác biệt trong các đặc tính của chúng, đồng thời cung cấp một bức tranh tổng thể về vấn đề này.



GD
Truyền thống
GDTT
Thu phí
OCW
MOOC
Trực tuyến
Không
Miễn phí
Không/Có
Không
Tương tác dạy-học
Cao
Thấp
Không
Thấp
Tính chính danh
Rõ ràng
Thấp
Không
Thấp
Dữ liệu thu được
Thấp
Thấp
Thấp
Cao


So sánh đặc tính giữa các mô hình giáo dục.
Giáo dục truyền thống - xuất hiện trước tiên trong bảng trên. Vì vậy GDTT có ưu thế về thời gian trong việc xây dựng tính chính danh. Do hoạt động giáo dục diễn ra trực tiếp trong lớp học thực với giáo viên thực, vì vậy, đòi hỏi đầu tư lớn vào việc xây dựng khối lượng cơ sở vật chất, đào tạo số lượng giáo viên tỷ lệ thuận với nhu cầu đào tạo. Cả hai quá trình trên đều đòi hỏi thời gian dài và nhiều tài nguyên thô, điều này nâng cao chi phí và giá thành của giáo dục truyền thống. Do tính chất này, thông thường giáo dục phổ thông(hết cấp 3) đều do nhà nước tài trợ.

Trị trường giáo dục sau phổ thông bị chia nhỏ thành nhiều chuyên ngành khác nhau, càng làm vấn đề về nguồn giáo viên trầm trọng hơn. Cộng với việc nhà nước giải bớt tài trợ, phần nào khiền học phí cho loại hình giáo dục này trở nên cao hơn nhiều so với giáo dục trước đại học. Do đó, thông thường nhà nước không thể tiếp tục tài trợ và giáo dục đại học/sau đại học không còn miễn phí như các bậc giáo dục thấp hơn.



Tính tương tác dạy-học cao ở giáo dục truyền thống thoạt đầu có vẻ như một lợi thế nhưng thực ra phụ thuộc vào trình độ sư phạm của giáo viên. Thực tế, ở bất kỳ nền giáo dục nào, tìm được một giáo viên giỏi luôn là việc khó khăn hơn. Sự phụ thuộc này cũng là lý do khiến cho chi phí giáo dục ở các trường danh tiếng cao hơn, do các trường này phải tuyển dụng các giáo viên tốt và trả đãi ngộ cao cho họ.

Do đặc tính ngoại tuyến của GDTT, nên các tổ chức giáo dục thường bị chia nhỏ thành các đơn vị mang tính vùng miền, gây khó khăn cho sự trao đổi, chia sẻ thông tin, cũng như triển khai các thay đổi về mặt nội dung hay phương pháp sư phạm một cách đồng bộ trên toàn hệ thống.

Ngoài ra do giáo viên là người trực tiếp truyền tải nội dung giáo dục, việc thu thập dữ liệu giáo dục phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục rất hạn chế, phần lớn là cảm tính và phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của giáo viên. Thiếu dữ liệu khách quan và đồng nhất khiến cho GDTT khó nắm bắt được những hiệu quả hay yếu kém của hệ thống, dẫn tới phản ứng chậm, khó bắt kịp với những thay đổi nhanh của xã hội.

Giáo dục trực tuyến thu phí đã xuất hiện và tham gia vào thị trường khá lâu, nhưng chưa gặt hái được bao nhiêu thành công phần lớn do những yếu điểm trong mô hình vận hành và kinh doanh. Cụ thể, việc thu phí học viên đi ngược lại với thói quen khó đảo ngược của người dùng Internet - thích sử dụng các dịch vụ miễn phí. Thói quen này khiến cho dịch vụ giáo dục trực tuyến thu phí trở nên kém hấp dẫn, lưu lượng truy cập thấp, doanh thu hạn chế, và tựu trung lại là hiệu quả giáo dục cùng kinh doanh rất thấp.

Tính chính danh của loại hình giáo dục này là tương đối thấp do thiếu bề dày lịch sử và thành tựu. Với lưu lượng truy cập thấp, dữ liệu giáo dục thu được ít và không giúp được gì nhiều trong điều hành dịch vụ.

Học liệu mở (OCW) về bản chất chỉ nhằm chia sẻ tài liệu, bài giảng của các trường đại học nổi tiếng cho người dùng Internet truy cập và sử dụng. Do bản chất này, OCW khó có thể gọi là một mô hình giáo dục và bởi vậy không có tính chính danh. Việc người dùng Internet học qua OCW cũng tương tự như việc nhà cung cấp OCW phát hành các cuốn sách miễn phí cho người dùng tự học. Với mô hình này, trong khi quá trình học có thể diễn ra thì quá trình dạy hầu như không xảy ra, dẫn tới hiệu quả học tập cùng với lưu lượng truy cập thấp.

Các bài giảng của OCW điều được ghi lại trong các lớp học thật với thời lượng dài, điều này khiến cho học viên khó duy trì tập trung khi theo dõi bài giảng trong môi trường mạng, đồng thời học viên gặp khó khăn trong việc theo học nếu họ có quỹ thời gian eo hẹp. Tính miễn phí của dịch vụ này không đủ để bù đắp cho các nhược điểm kể trên, do đó OCW ngừng phát triển và đi xuống sau một thời gian ra mắt.

MOOC với tính trực tuyến và miễn phí giải quyết hầu hết các vấn đề về lưu lượng truy cập của giáo dục trực truyến thu phí và OCW. Bằng việc triển khai trực tuyến MOOC có thể truyền tải dịch vụ rộng khắp, tới tận mọi ngõ ngách của Internet, tránh được hạn chế về mặt hậu cần của giáo dục truyền thống. MOOC có thể xây dựng các bài giảng chất lượng cao và triển khai trên diện rộng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào chất lượng của giáo viên, điều này dẫn tới tính đồng đều cho chất lượng giáo dục.

Sự tương phản giữa MOOC và giáo dục truyền thống có thể gói gọn lại như sau. Hai giáo viên, một tốt, một trung bình đều đứng lớp giảng dạy khoảng 50 học sinh, số lượng này gần như không đổi, năm này qua năm khác. Một khóa học MOOC tốt có thể thu hút 100 nghìn lượt đăng ký từ mọi miền trên thế giới, 5% hay 5 nghìn học viên trong số đó kết thúc khóa học. Như vậy một khóa học MOOC đào tạo số lượng học viên tương đương với số lượng mà một giáo viên truyền thống đạt được trong toàn bộ sự nghiệp, chưa bàn tới sự đồng đều về chất lượng.

Các bài giảng MOOC đều tương đối ngắn, thường là dưới 10 phút, thiết kế chỉ đủ để truyền tải một ý tưởng, rồi cho học viên làm (các) bài tập nhỏ liên quan trực tiếp tới bài giảng. Các bài giảng với cấu trúc này được cho là phù hợp với môi trường học Internet, giúp học viên dễ tiếp thu, duy trì sự tập trung bằng các bài tập giúp học viên có nhiều tương tác với bài giảng ngay lập tức, trước khi tiếp tục học các ý tưởng khác của khóa học.

Lượng truy cập lớn, cộng với các bài giảng ngắn giúp nhà cung cấp MOOC thu được lượng dữ liệu giáo dục lớn, mang tính đa chiều (multidimensional data), ví dụ như hoạt động của từng học viên như vị trí của họ, các khóa học họ tham gia, tiến trình của từng khóa, thời gian dành cho từng bài giảng; hiệu năng của từng khóa học, bài giảng, bài thực hành, số lượng đăng ký và hoàn tất khóa học, số lượng các thành viên đang trong quá trình học ...

Có lẽ, dữ liệu là chìa khóa vạn năng của MOOC.

Dựa trên dữ liệu học viên, nhà cung cấp MOOC có thể gợi ý cho học viên các khóa học họ có nhiều khả năng quan tâm, giúp duy trì số lượng học viên và truy cập. Đây là thuật toán tương tự mà Amazone.com dùng để gợi ý sản phẩm cho người mua hành trực tuyến, hay Youtube.com dùng để hiển thị các video gợi ý sau khi bạn vừa xem xong video trước đó.

Dựa vào dữ liệu tương tác học viên và bài giảng nhà cung cấp MOOC có thể xác định được các bài giảng khó hiểu - số liệu về mức độ dễ hiểu của bài giảng thể hiện trong số liệu về phần tương tác sau bài giảng như tỷ lệ và thời gian hoàn thành bài tập - sau đó tìm hiểu và sửa đổi, cải thiện nội dung bài giảng đó. Việc phát triển và vận hành dịch vụ dựa trên thông tin phân tích dữ liệu giúp nhà cung cấp MOOC ra quyết định nhanh và chính xác hơn, và về lâu dài giúp họ đẩy nhanh quá trình xây dựng hình ảnh, uy tín, và tính chính danh.

Dữ liệu, nhiều khả năng, còn là nguồn doanh thu đáng kể của nhà cung cấp MOOC đi theo mô hình doanh nghiệp[2]. Theo mô hình này, các nhà tuyển dụng sẽ trả một khoản phí để truy cập vào nguồn dữ liệu của nhà cung cấp MOOC, nhằm tìm được những ứng viên phù hợp nhất để cho vị trí công việc cần tuyển. Việc cung cấp dịch vụ truy cập dữ liệu cho các nhà tuyển dụng, một lần nữa, đem lại thêm một nguồn dữ liệu đáng giá cho các nhà cung cấp
MOOC. Đó là dữ liệu về nhu cầu của thị trường tuyển dụng, dữ liệu này giúp nhà cung cấp MOOC phân tích nhu cầu tuyển dụng hiện tại và dự báo xu hướng của tương lai, qua đó định hướng phát triển nội dung giáo dục phù hợp với các xu hướng này.

Liệu nguồn doanh thu này có đủ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp MOOC còn là điều chưa rõ ràng. Nhưng mô hình này hứa hẹn tương lai tươi sáng cho mọi thành viên tham gia MOOC, học viên được tiếp cận dịch vụ giáo dục miễn phí, chất lượng cao; nhà tuyển dụng được truy cập dữ liệu thống nhất về học viên làm cho quá trình tuyển dụng trở nên hiệu quả hơn; trong khi đó nhà cung cấp MOOC có doanh thu để tiếp tục cung cấp và mở rộng dịch vụ. Toàn bộ hệ thống dịch vụ hoạt động trên môi trường mạng, có truy cập rộng khắp và mang lại khả năng triển khai và mở rộng nhanh.

Một điểm trùng hợp khá thú vị đó là mô hình doanh thu này khá giống với của Google - người khổng lồ Internet. Bằng việc đáp ứng miễn phí nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng Internet, Google đạt được lưu lượng truy cập rất lớn - số 1 toàn cầu - và họ kiếm doanh thu gián tiếp thông qua những quảng cáo hiện thị trên trang kết quả tìm kiếm với nội dung có liên quan tới từ khóa tìm kiếm. Không có bất kỳ ràng buộc nào đối với người dùng bắt buộc họ phải tiếp tục sử dụng Google, đây có lẽ là ý tưởng quan trọng nhất của Google, bởi họ biết chỉ có một cách duy nhất để giữ được lưu lượng truy cập đó là liên tục cải tiến và phát triển dịch vụ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dùng. Với tâm thế này, Google đã và đang hoạt động ở đỉnh cao của thành công cả về mặt kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật và đóng góp cho cộng đồng thế giới.

Một nguồn doanh thu khác mà nhà cung cấp MOOC có thể khai thác là dịch vụ chứng chỉ[3]. Các dịch vụ ở ETS(Educational Testing Service), mà tiêu biểu nhất là TOEFL(Test Of English as Foreign Language) là ví dụ khá gần với mô hình doanh thu này, các kỳ thi chứng chỉ được tổ chức theo kỳ hạn ở tại một địa điểm cụ thể, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tham gia thi với số lần không hạn chế nếu đạt vài yêu cầu cơ bản như danh tính và lệ phí thi. Dù rằng, hệ thống chứng chỉ kiểu này có yêu cầu về hệ thống cơ sở hạ tầng ngoại tuyến, do đó khó phát triển ra diện rộng, nhưng mở rộng dịch vụ này vẫn đơn giản hơn nhiều so với trong giáo dục truyền thống.

Hai nguồn doanh thu kể trên chỉ áp dụng được cho mức trình độ đại học vì học viên ở mức độ này sẽ bắt đầu tham gia vào thị trường lao động trong tương lai gần. Đây cũng là lý do mà các nhà cung cấp MOOC lớn đi theo mô hình doanh nghiệp hiện nay như Coursera, Udacity, và Codecademy phát hành các khóa học có nội dung nhắm vào phân khúc học viên này.

Ngoài ra, cũng cần hiểu rõ rằng, cả hai nguồn doanh thu này đều có chung một điểm bất lợi đó là không thể thực hiện ngay thời điểm bắt đầu dịch vụ mà cần thời gian để thu thập dữ liệu và xây dựng tính chính danh. Do vậy phát triển dịch vụ MOOC đòi hỏi nguồn đầu tư kinh phí dài hạn hơn so với mô hình giáo dục trực tuyến thu phí. Thêm vào đó, mục đích giảng dạy của MOOC yêu cấu hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng phức tạp hơn nhiều so với mô hình OCW.


Những nhận định và phân tích ở trên phần nào làm rõ các đặc tính của mô hình MOOC, đồng thời các khác biệt với các mô hình xuất hiện trước đó. Cá nhân tôi thấy, MOOC có tiềm năng để trở thành một nền tảng giáo dục vững chắc, có tầm ảnh hưởng lớn, tạo và đóng góp giá trị đáng kể cho xã hội. MOOC là cơ hội lớn mở ra cho mọi tổ chức và cá nhân để tham gia và phát triển.

Tham khảo

[1] "University of Phoenix Retirement Plan: Nice Work, If You Can Get It." 20 Jan. 2013 <wsj.com>
[2] "Providers of Free MOOC's Now Charge Employers for Access to ..." 2012. 8 Feb. 2013 <chronicle.com>
[3] "edX announces proctored exam testing." 2012. 8 Feb. 2013 <edx.org>

2013-01-21

MOOC - Giáo dục Trực tuyến Quy mô lớn - Sơ lược và Trải nghiệm Cá nhân

1. Sơ lược về MOOC
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Tham gia bởi +Le Mau Tuan - Imperial College, Luân Đôn, Anh Quốc.

Massive-Online Open Course(MOOC)[1] tạm dịch là khoá học trực tuyến mở quy mô lớn là thuật ngữ dành cho các trang web cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến kiểu mới, đang dành được rất nhiều sự chú ý của giới công nghệ và giáo dục trong năm qua. Nếu nghĩ một cách đơn giản, MOOC có lẽ không có gì khác so sánh với Học liệu Mở(OpenCourseWare - OCW) của MIT hay các video dạy học ai cũng có thể xem miễn phí ở Youtube.com.

Thực chất, dù cho MOOC có thể đã khởi nguồn từ OCW hay các video dạy học ở Youtube.com thì sự tương đồng của chúng chỉ dừng lại ở khía cạnh miễn phí mà thôi. Đánh giá một cách kỹ càng hơn sẽ thấy MOOC thực sự là một bước tiến lớn của giáo dục nói chung và giáo dục trực tuyến nói riêng. Những khác biệt này sẽ được trình bày rõ hơn trong các phần sau của loạt bài viết về MOOC sắp tới.


  
Nhiều chuyên gia về giáo dục và công nghệ cho rằng MOOC có tiềm năng thay đổi một cách cơ bản bộ mặt của giáo dục thế giới, theo chiều hướng tốt [2, 3]. Những kỳ vọng về tầm ảnh hưởng của MOOC không phải là vô cớ khi nhìn vào những nhân vật đang tham gia xây dựng, số liệu thống kê và trải nghiệm cá nhân khi tham gia học thử. Hãy cùng điểm mặt vài MOOC tài danh trong thời điểm hiện tại.

Khan Academy

Sở dĩ Khan Academy(KA) được đề cập đầu tiên vì lý do khá đơn giản là chính KA là MOOC đầu tiên. Bắt đầu đơn giản từ việc nhà sáng lập Salman Khan phải kèm học cháu của mình, Salman ghi lại các bài giảng của mình rồi đăng lên Youtube để cháu của anh có thể xem lại khi cần. Salman không ngờ rằng các video này sau đó thu hút rất nhiều lượt xem.

Hào hứng với thành công bất ngờ, năm 2006, Salman bỏ công việc trong lĩnh vực tài chính và thành lập KA với mô hình tổ chức phi lợi nhuận. Thiết kế khóa học của KA tương đối đơn giản, cụ thể là:

  • Nội dung khóa học được chia nhỏ và trình bày trong các đoạn video ngắn.
  • Học viên xem các đoạn video bài giảng lần lượt.
  • Đôi khi học viên phải trả lời một vài câu hỏi để kiểm tra mức độ tiếp thu và cứ thế tiếp tục cho tới khi kết thúc khóa học.

Trên thực tế, cấu trúc kể trên được sử dụng ở hầu hết các khóa học MOOC, nếu không đề cập tới các khác biệt nhỏ phụ thuộc vào nội dung cụ thể của chúng.

Tới nay KA có tổng cộng khoảng 3600 video bài giảng về 18 ngành học, 22 ngôn ngữ, và đã phục vụ trên 220 triệu lượt bài giảng. Salman Khan xuất hiện trong danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2012 của tạp chí TIME. Không phải ngẫu nhiên mà Eric Schmidt, chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Google, hiện là một thành viên trong ban giám đốc của KA.


CourseraedX

Việc các MOOC còn lại trong danh sách kể trên lần lượt ra đời chỉ trong vòng 18 tháng kể từ nửa cuối năm 2011 và cả năm 2012, nói lên mức độ quan tâm của giới giáo dục, công nghệ và doanh nhân phương Tây về MOOC trong thời gian này. Coursera và edX là hai cái tên khá nổi bật trong số các MOOC xuất hiện trong thời gian kể trên. Điểm đáng lưu ý ở đây là Coursera và edX có nhiều điểm tương đồng, ngoài sự khác biệt về chủ sở hữu và mô hình kinh doanh, Coursera là của Andrew Ng and Daphne Koller, hai Giáo sư về Khoa học Máy tính(Computer Science) tại Đại học Stanford, trong khi edX đồng sở hữu bởi hai trường đại học MIT và Harvard. Về mô hình kinh doanh, edX là tổ chức phi lợi nhuận, còn Coursera được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp.

Coursera[4] và edX đều dựa vào sự cộng tác của các trường đại học danh tiếng để xây dựng nội dung khóa học. Hiện tại, trang chủ của Coursera cho biết họ có 213 khóa học, thuộc 20 ngành học, do sự hợp tác với 33 trường đại học, và phục vụ 2,3 triệu thành viên. Những con số thực sự ấn tượng đối một tổ chức giáo dục chưa tròn 1 năm tuổi. edX kiêm tốn hơn về mặt thống kê với chỉ 23 khóa học, từ 6 trường đại học.

Trong khi nhiều MOOC khác có hình thức tham gia khoá học hoàn toàn mở về mặt thời gian thì hai trang này lại tổ chức khóa học theo kỳ (term), tương tự như trong hệ thống giáo dục thông thường. Có lẽ, một phần, Coursera và edX xuất phát từ các tổ chức giáo dục thông thường cho nên họ vẫn phần nào tin tưởng vào phương thức tiếp cận giáo dục theo phương thức truyền thống.

Một phần khác, đối với Coursera, việc đồng bộ khóa học theo thời gian nhằm một mục đích quan trọng khác là bình chấm(peer grading). Nói đơn giản là các thành viên của cùng khóa sẽ đánh giá và chấm điểm lẫn nhau. Bình chấm, một mặt, giúp giải quyết vấn đề đánh giá học viên ở quy mô lớn, một vấn đề nan giải của giáo dục trực truyến. Mặt khác, hệ thống này khuyến khích học viên hoạt động tích cực hơn trong khóa học, ví dụ như tham gia trả lời các thắc mắc trên diễn đàn của khóa học, nhằm đạt được đánh giá có lợi từ phía các học viên khác.


UdacityCodecademy

Khác với KA, Coursera, và edX, về mặt nội dung, Udacity và Codecademy chỉ có các khóa học tập trung vào ngành khoa học máy tính nói chung hay ngôn ngữ lập trình và phát triển ứng dụng nói riêng.

Năm 2011, Peter Norvig - Giám đốc của Google Research cùng với Sebastian Thrun - Giáo sư về Khoa học Máy tính ở Stanford, một Google Fellow, mở khóa học trực tuyến “Giới thiệu về Trí tuệ Nhân tạo” (Introduction to Artificial Intelligence), một chủ đề cao cấp trong Khoa học Máy tính. Tổng cộng khoảng 160 nghìn người đăng ký tham gia học, 23 nghìn trong số đó hoàn thành toàn khóa, những số liệu cao ở mức khó tin đối với một khóa học ở mức sau đại học. S. Thrun, sau đó, lựa chọn con đường tương tự như của S. Khan, bỏ việc hiện tại và thành lập Udacity.

Tới nay, Udacity cung cấp tổng cộng 22 khóa học, đa số là về Khoa học Máy tính, ước tính 400 nghìn học viên đến từ 203 quốc gia và có độ tuổi từ 13 đến 80. Vâng, từ 13 tới 80 tuổi[5], bạn không đọc nhầm đâu!

Khác với việc các MOOC kể trên đều có các nhà sáng lập nhiều kinh nghiệm, các nhà sáng lập[6] của Codecademy là Zach Sims và Ryan Bubinski đều dưới 25 tuổi. Zach Sims thậm chí còn chưa có bằng cử nhân vì bỏ học để mở công ty. Dĩ nhiên không một người dùng Internet nào quan tâm tới điều này, họ chỉ ghé thăm trang web, nếu nội dung hay dịch vụ hấp dẫn họ sẽ quay lại, ngược lại thì không.

Và thực sự người dùng Internet thích Codecademy vì ngay khi ra mắt Codecademy đã gặt hái thành công rất sớm, sớm tới mức không thể tin nổi. Cụ thể trong vòng 3(ba) ngày từ khi ra mắt, đã có tới 200 nghìn thành viên đăng ký, 2,1 triệu bài học(lessons) được thực hiện[7]. Dù cho mỗi bài học và bài tập ở Codecademy thường rất nhỏ, đôi khi chỉ là một dòng lệnh, nhưng con số kể trên nói lên sức mạnh truyền tải kiến thức và mức độ cuốn hút học viên của trang web này.

Ngoài việc phục vụ các khóa học được phát triển bởi công ty, Codecademy còn cho phép thành viên của trang tự xây dựng và phát hành bài học về chủ đề tự chọn. Đây là tính năng mang tính đột phá, vì với tính năng này Codecademy, mở rộng cánh cửa dạy và học, đồng thời trở thành một nền tảng giáo dục trong đó cả hai quá trình dạy và học đều mang tính dân chủ.


Google

MOOC thực sự rất hấp dẫn và dĩ nhiên Google, người khổng lồ Internet, không thể chỉ ngồi xem. Thực tế thì Google đã tham gia đóng góp vào cơn bão MOOC từ khá sớm, Udacity được đề cập ở phần trước của bài viết xuất phát từ một khóa MOOC dạy bởi 2 nhân viên của Google. Ngoài ra, Google còn tổ chức một khóa MOOC khác với tên gọi “Power Searching with Google[8]” -  tạm dịch là “Tìm kiếm Nâng cao cùng Google”. Khóa MOOC này cũng thành công vang dội với khoảng 155 nghìn học viên tham gia.

Sau thành công của “Tìm kiếm Nâng cao cùng Google”, Google quyết định phát hành, dưới dạng mã nguồn mở, Course Builder, công cụ phần mềm họ đã dùng để phát triển nội dung khóa học. Động thái này, theo Google, giúp các nhà giáo dục cấp tiến có cơ hội tiếp cận, phát triển và phát hành MOOC với nội dung của chính mình, qua đó thí nghiệm, tìm hiểu và nâng cao hiệu quả của MOOC.


MOOC và tôi

Lê Mậu Tuấn - Imperial College - Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Trải nghiệm MOOC của tôi chủ yếu là ở Coursera. Những điều tích cực tôi nhận thấy khi tham gia các khóa học của Coursera có thể gói gọn bởi hai điểm: giao diện và mức truy cập.

Cụ thể là giao diện của Coursera được thiết kế rất tốt (gọn gàng, hài hòa), dễ sử dụng, đăng nhập từ facebook chỉ bằng một lần nhấn chuột. Giao diện dễ sử dụng, đáp ứng nhanh là điểm rất quan trọng giúp giữ sự tập trung của học viên khi việc học diễn ra trên môi trường Internet với vô số những điểm đến nhanh, rẻ, và hấp dẫn khác.

Về mặt truy cập, học viên ở Coursera có toàn quyền lựa chọn tham gia học bất kỳ khóa nào, đồng thời không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Về nội dung, trang web này có một lượng lớn các khóa học hấp dẫn được biên soạn bởi các giáo sư đa phần từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Đơn cử như khóa học “Machine Learning” của Giáo sư Andrew Ng ở Đại học Stanford, một giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Những yếu tố này đã thu hút sự quan tâm của tôi và sau đó là tham gia vào các khóa học.

Nội dung các khóa học được truyền tải theo các bước hướng dẫn cụ thể, có tính tương tác cao giúp khóa học trở nên thú vị, duy trì sự tập trung của học viên, do đó cải thiện chất lượng của toàn khóa học. Coursera thực sự đang sở hữu một hệ thống khung giúp các nhà giáo phát triển và phát hành các khóa học có chất lượng cao.

Tất nhiên, cũng giống như trong giáo dục truyền thống, luôn có giáo viên dạy tốt và ngược lại. Tôi chỉ duy trì các khóa học hấp dẫn và nhanh chóng bỏ qua các khóa học dở. Đây là điểm đáng chú ý, vì các học viên MOOC thường có ít thời gian và phải rất nỗ lực để tham gia. Ngoài ra, học viên có toàn quyền quyết định khi tham gia MOOC, không có bất kỳ điều gì ngăn cản quyết định học hay không.

Một điểm đáng lưu ý khác ở các khóa học MOOC là quy luật về số lượng học viên đăng ký và hoàn tất. Tôi nhận ra rằng, tôi đã đăng ký tới hơn 20 khóa học nhưng rồi chỉ tham gia và hoàn thành - làm và nộp tất cả các bài tập - 1 hoặc 2 khóa. Khóa học mà tôi hoàn thành là để thu thập kiến thức phục vụ cho công việc cụ thể. Việc đăng ký tham gia các khóa còn lại phần lớn là do tôi thực sự muốn học nhưng cuối cùng không đủ thời gian để thực hiện. Nếu có cách nào giúp học viên học một chút gì đó dù chỉ trong vài phút, nhiều khả năng tôi sẽ bắt đầu học những khóa này.


Phạm Duy Đông - Viện Vi Điện tử - Singapore.

Bản thân tôi đã và hiện đang tham gia các khóa học MOOC của Udacity và Codecademy kể từ giữa năm 2012 đến nay. Trong thời gian này tôi đã học ngôn ngữ lập trình Python, ngôn ngữ phát triển trang web như HTML, CSS, JavaScript, JQuery.

Trải nghiệm trong quá trình học, đối với tôi, khá tích cực. Các bài giảng đủ ngắn và đơn giản để người học tiếp thu và thực hành trong khoảng thời gian tối thiểu. Tuy nhiên, phần lớn các bài giảng này không rời rạc mà thực chất là các mục/bước nhỏ gắn kết với nhau để trong một dự án/bài tập (project) lớn hơn. Việc thiết kế bài giảng như kể trên, giúp cho tôi học, ghi nhớ và thực hành các bước này trong một ngữ cảnh, mục tiêu cụ thể. Rõ ràng, đây là một phương pháp dạy và học rất hiệu quả.

Tôi đã sử dụng Python để giải quyết một số vấn đề phát sinh trong nghiên cứu cụ thể là đọc và xử lý một khối lượng dữ liệu lớn. Trước khi tự lập trình để giải quyết những vấn đề này, tôi đã thử dùng các phần mềm thông dụng như Microsoft Excel và MATLAB nhưng đều thất bại.

Sử dụng những kiến thức học được về phát triển web, tôi đã viết và xuất bản một ứng dụng web dùng để tính toán thuế thu nhập cá nhân ở Singapore. Các kết quả này phải nói là khá khả quan dựa trên thực tế là quá trình học và phát triển diễn ra phần lớn sau 11 giờ đêm và các thời gian rảnh rỗi khác.

Dường như với MOOC, giáo dục trực tuyến đang thực sự cất cánh và tôi với tư cách một học viên MOOC đang thích thú tham dự chuyến bay này.


Tham khảo

[1] "Massive open online course - Wikipedia, the free encyclopedia." 2011. 17 Jan. 2013 <wikipedia.org>
[2] "How MOOC's are Changing Higher Ed | StateImpact Ohio." 2012. 17 Jan. 2013 <stateimpact.npr.org>
[3] "Higher education: our MP3 is the mooc | Education | The Guardian." 2012. 17 Jan. 2013 <guardian.co.uk>
[4] "How Coursera, A Free Online Education Service, Will School Us All ..." 2012. 17 Jan. 2013 <fastcompany.com>
[5] "Udacity - Wikipedia, the free encyclopedia." 2008. 17 Jan. 2013 <wikipedia.org>
[6] Christine Lagorio. "30 Under 30: Zach Sims and Ryan Bubinski, Codecademy | Inc.com." 2012. 17 Jan. 2013 <inc.com>
[7] "Codecademy Surges To 200,000 Users, 2.1 Million ... - TechCrunch." 2011. 17 Jan. 2013 <techcrunch.com>
[8] "Power Searching with Google – Inside Search – Google." 2012. 18 Jan. 2013 <google.com>