Pages

2013-09-05

Phương pháp sư phạm của MOOC

1. Sơ lược về MOOC.
2. So sánh với các mô hình giáo dục khác.
3. MOOC ở Việt Nam?
4. Phương pháp sư phạm của MOOC
5. Các nền tảng MOOC

Cần nhấn mạnh rằng miễn phí truy cập không phải là điểm mạnh duy nhất của các dịch vụ MOOC hiện tại. Nhằm mục đích giảng dạy, truyền tải kiến thức, đào tạo kỹ năng cho học viên, đồng thời bù đắp phần nào về mặt tương tác dạy-học, duy trì sự tập trung của học viên trong môi trường mạng, các khóa học MOOC được trang bị một loạt các phương pháp sư phạm hiệu quả sau.



Học thành thục (Mastery learning)

Đa số các khóa học MOOC tại các trang web dạng này được thiết kế theo hướng cho  học viên rất nhiều cơ hộ để học, hiểu nội dung, và thể hiện mức hiểu biết của họ. Trong khi ở các lớp học truyền thống, nếu một học viên không làm tốt bài tập về nhà thì người này sẽ phải nhận điểm kém và cả lớp thì vẫn phải tiếp tục với các bài giảng kế tiếp, khó có cơ hội cho học viên này rà soát, củng cố kiến thức hổng. Kết quả đánh giá bài tập về nhà thì cũng phải hàng tuần sau mới có, khi mà học viên gần như không còn chút nào về nội dung bài giảng tương ứng.

Ngược lại, các khóa học MOOC thường được chia ra làm rất nhiều các phần nhỏ, học viên tiếp thu nội dung của phần này rồi được làm vài bài tập tương ứng đã được máy tính ngấu nhiên hóa ngay lập tức. Điều này giúp học viên thực hành kiến thức vừa học khi còn nóng hổi, tự học lại và tự làm lại bài tập ngay khi không hoàn thành tốt bài tập trước đó. Củng cố chắc kiến thức cho các bài học tiếp theo.

Phương pháp sư phạm này đã được các nhà nghiên cứu về giáo dục chứng minh là có khả năng cải thiện tỷ lệ hiểu và nhớ bài giảng của học viên rất nhiều [1].

Học tích cực (Active learning)

Trang MOOC quốc tế tiên phong Coursera khi triển khai các khóa học về khoa học xã hội, nghệ thuật ... gặp khó khăn trong việc đánh giá trình độ của học viên do các bài tập, câu hỏi kiểm tra ở các môn nay nhiều khi không có đáp số rõ ràng, hoặc câu trả lời thường ở dạng bài luận. Cái khó ló cái khôn, Coursera cuối cùng phát triển nên hệ thống bình chấm (peer assessment), dựa vào kiến thức về bình chấm và sức mạnh cộng đồng (crowdsourcing).

Hệ thống bình chấm cho phép các học viên trong cùng khóa đánh giá khả năng lẫn nhau. Do vậy, một học viên nhận được rất nhiều điểm đánh giá từ các bạn đồng học, Coursera dựa vào tất cả những điểm này để tính toán ra một điểm đánh giá cuối cùng cho học viên này.

Với hệ thống bình chấm học viên nhằm đat được các đánh giá có lợi từ các thành viêcn khác nên có một động lực rất tốt để tham gia tích cực vào bài giảng, giúp đỡ các học viên khác giải đáp các thắc mắc. Khi mọi người trong lớp học đều có tâm lý như vậy thì khóa học trở nên rất sôi nổi, hiệu quả giáo dục nhờ vậy được nâng cao rõ rệt[1].

Học trong bối cảnh(Context-embedded learning)

Các khóa học tại Codecademy.com, trang web tập trung dậy các ngôn ngữ lập trình máy tính và web, có rất nhiều các bài tập lớn, cần tới kiến thức của nhiều phần trong khóa học mới giải quyết được. Thậm chí toàn bộ khóa học "Giới thiệu về khoa học máy tính" (Intro to Computer Science) ở Udacity.com chính là một bài tập lớn: xây dựng một cỗ máy tìm kiếm thông tin trên Internet (search engine).

Phương pháp thiết kế bài giảng như thế này giúp học viên hiểu được rằng những mục nhỏ mà mình đang học có vai trò cụ thể ra sao trong việc giải quyết một vấn đề lớn. Bỗng nhiên một hoạt động tẻ nhạt như phân tích nội dung chuỗi ký tự (parse string) trở nên rất lý thú vì nó có vai trò then chốt trong việc xây dựng danh sách các hyperlink, một thành phần thiết yếu của bất kỳ cỗ máy tìm kiếm nào.

Đồng thời, học theo phương pháp này các học viên tạo mối liên kết giữa các phần kiến thức được sử dụng để hoàn thành bài tập lớn, giúp họ ghi nhớ kiến thức theo một mạng lưới thông tin có liên quan chặt chẽ (như một bức tranh), hơn là phải cố gắng học thuộc lòng từng phần nhỏ.

Trò chơi hóa (Gamification)

Nói nôm na, trò chơi hóa là hoạt động áp dụng các thủ thuật thiết kế của trò chơi điện tử vào các vấn đề ở các lĩnh vực khác. Từ trước tới nay, các trò chơi điện tử luôn là điển hình về sản phẩm có sức cuốn hút lớn, có khả năng thôi thúc người chơi tham gia và đạt các mục đích được định sẵn.

Các nhà khoa học đã xác định rằng ẩn sau mỗi một trò chơi thành công đều có các yếu tố về tâm lý và các kỹ thuật thiết kế cụ thể. Ngày nay các tổ chức, công ty cấp tiến đang sử dụng những kiến thức này để gia tăng sức cuốn hút của sản phẩm cũng như hiệu năng của hoạt động của họ.

Một số MOOC cũng sử dụng các yếu tố này giúp lôi cuốn, thu hút học viên và cải thiện hiệu quả giáo dục. Một ví dụ điển hình là trang Codecademy. Học viên tham gia các khóa học tại Codecademy liên tục được chào đón bởi các thử thách (bài tập) dễ có, khó có, mỗi khi học viên vượt qua một thử thách thì sẽ được hệ thống chúc mừng, thưởng điểm, huy hiệu, hay huy chương, và rồi giới thiệu học viên với mục bài giảng, thử thách tiếp theo. Thông tin về điểm số thu được của ngày hôm nay, cũng như số ngày ghi điểm liên tiếp của học viên luôn được hiển thị rõ ràng trên giao diện của học viên, giúp họ dễ dàng theo dõi được thành quả học tập của minh và có động lực để tiếp tục theo đuổi chương trình.

Trong buổi ra mắt trang MOOC tiên phong ở Việt Nam, giapschool.org, GS Ngô Bảo Châu cũng có khuyên trang này nên trò chơi hóa các bài giảng [2].

Yếu tố mạng xã hội (Social networking)

Ngoài các yếu tố kể trên nhiều trang MOOC còn sử dụng tới một yếu tố rất hiệu quả khác để thu hút học viên đó là mạng xã hội. Các trang này (KhanAcademy.com, Udacity.com, và Codecademy.com) cho học viên đăng ký bằng tài khoản Facebook hoặc Google sẵn có. Khi học viên có các hoạt động mới trong quá trình tham gia học tại các trang MOOC này như đăng ký khóa học, bắt đầu hay kết thúc khóa học, hay đạt được các kết quả đáng kể thì họ đều có khả năng chia sẻ những thông tin này tới các mối quan hệ xã hội qua các mạng xã hội mà họ đã chọn.

Hoạt động này một mặt giải quyết được nhu cầu chia sẻ thông tin, giao tiếp xã hội của học viên, mặt khác giúp cho trang MOOC có liên quan mở rộng sự hiện diện trong thế giới số hơn nữa. Đây thực sự là một công cụ quảng bá hiệu quả của các MOOC biết sử dụng lợi thế này.

Kết luận

Một trang MOOC được xây dựng kỹ lưỡng sẽ là một hệ thống giáo dục tuy bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng phía sau là các cơ chế phức tạp, đầy hiệu quả với mục tiêu tối thượng là truyền tải nội dung giáo dục chất lượng tới công chúng ở quy mô lớn.

Tham khảo

[1] Coursera.org. Phương pháp sư phạm (Pedagogy). Trích ngày 04/09/2013 từ www.coursera.org
[2] Chi Mai (03/09/2013). Buổi ra mắt của một trường học đặc biệt. Trích ngày 04/09/2013 từ http://vietnamnet.vn